Chứng chỉ xanh tỷ USD cho ngành gỗ Việt Nam

0
2285
5/5 - (4 bình chọn)

Chứng chỉ xanh tỷ USD cho ngành gỗ Việt Nam

Sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức cùng nông dân trồng rừng đã tạo nên những mảng xanh có giá trị rất lớn về mặt kinh tế lẫn môi trường.

Chứng chỉ xanh tỷ USD cho ngành gỗ Việt Nam

Khai thác gỗ theo tiêu chuẩn FSC

Hiện nay, tỉ lệ che phủ rừng tại Việt Nam từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,4% năm 2017, mang đến nguồn lợi kinh tế cho những người tham gia bảo vệ màu xanh của rừng.

Đơn hàng của Ikea

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho biết, khi hợp tác sản xuất với hãng nội thất Thụy Điển IKEA, tỉ suất lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm chỉ đạt khoảng 4-5%, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận từ các đơn hàng với đối tác khác (từ 15-20%). Nhưng các hợp đồng với IKEA lại có khối lượng lớn nên xét về giá trị và tính ổn định cao, về lâu dài, các công ty hợp tác với IKEA vẫn thu được lợi nhuận rất lớn.

Quý I/2015, Scansia Pacific và IKEA có buổi tiếp cận đầu tiên với những người thực hiện dự án hỗ trợ và phát triển xây dựng vùng nguyên liệu gỗ keo FSC –  Forest Stewardship Council (Hội đồng Quản lý rừng). Tuy nhiên, mãi đến tháng 6.2015, Scansia Pacific mới có thể chính thức triển khai dự án.

Để được thỏa thuận này, Scansia Pacific phải đưa ra khá nhiều chính sách mới thuyết phục được nông dân trồng rừng. Cụ thể, Công ty hỗ trợ chi phí để đánh giá và duy trì chứng chỉ rừng keo FSC trên diện tích 5.000 ha trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; cam kết thu mua gỗ keo có chứng chỉ rừng FSC cao hơn gỗ keo không có chứng chỉ tại cùng thời điểm từ 15-20%; cam kết không ép giá khi có thiên tai, rủi ro ảnh hưởng đến rừng keo FSC…

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Scansia Pacific cho biết, nguyên nhân của việc triển khai chiến lược trồng rừng xuất phát từ nhu cầu sản xuất. Từ năm 2016, IKEA đã yêu cầu toàn bộ các sản phẩm gỗ cung cấp cho họ phải được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ quản lý riêng bền vững và bảo vệ sinh thái FSC. Vào thời điểm đó, Việt Nam có rất ít rừng có chứng chỉ FSC nên Scansia Pacific đã chọn tỉnh Thừa Thiên Huế để xây dựng mô hình liên kết giữa các hộ dân có rừng trồng để có diện tích đủ lớn để chứng nhận FSC.

Theo ông Thắng, không chỉ đưa ra các cam kết lẫn hỗ trợ tài lực, Công ty còn phải thành lập nhóm cán bộ hiện trường để trực tiếp hỗ trợ các hộ dân cũng như luôn lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để có giải pháp kịp thời. “Thời gian đầu, nhiều vướng mắc nhưng khi đã vượt qua, chúng tôi xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững”, ông Thắng nói. Hơn hai năm áp dụng chính sách này, Công ty đã có 3.000 ha rừng keo thuộc 609 hộ dân đã có chứng nhận chứng chỉ FSC.

Scansia Pacific chỉ là một trong khá nhiều đơn vị đang triển khai trồng rừng ở Việt Nam. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu gỗ Nam Định (NAFOCO), Woodsland… là những cái tên cũng đang theo đuổi việc liên kết với nông dân để trồng rừng. Hiện, chỉ riêng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có khoảng hơn 60.000 ha rừng trồng và đang phấn đấu đến năm 2020, xây dựng 16.000 ha rừng gỗ lớn, trong đó, tỉ lệ rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 9.000 ha.

“Việc kết nối giữa chính quyền, nông dân trồng rừng và doanh nghiệp là giải pháp tốt nhất cho việc phát triển nguyên liệu hợp pháp, mang lợi ích rất lớn cho cộng đồng lẫn doanh nghiệp”, ông Võ Văn Dự, Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận xét.

Đáng chú ý, mô hình liên kết trồng rừng này vẫn đang được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo số liệu từ Tổng Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng tại Việt Nam hiện là 4.156.239 ha, cung cấp trữ lượng lên đến 188.348.550m3 gỗ. Số gỗ này nếu được khai thác đúng và tái trồng luân phiên, sẽ giúp Việt Nam đủ nguyên liệu hợp pháp cung cấp cho ngành chế biến gỗ cũng như xuất khẩu trong 20 năm nữa.

Hướng tới hai mục đích

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, trồng rừng là một trong những bước đi chiến lược, cùng lúc đạt hai mục đích. Thứ nhất, bảo vệ môi trường và thứ hai là tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ.

Ông Hạnh phân tích: “Công nghiệp gỗ xuất khẩu của Việt Nam đa số được tiêu thụ tại các nước phát triển. Ở đó, chính phủ quy định nghiêm ngặt điều kiện truy xuất nguồn gốc hợp pháp khi nhập khẩu còn người mua hàng thì ý thức về việc sử dụng đồ gỗ có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, để bảo vệ môi trường nên không có chuyện doanh nghiệp dùng gỗ rừng tự nhiên, khai thác trái phép để sản xuất”.

Với cách làm này, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 732 doanh nghiệp có chứng nhận Chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 226.500 ha.

Đánh giá cao nỗ lực của việc trồng rừng tại Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế cũng đã triển khai hàng loạt các chương trình hỗ trợ. Mới đây, Avery Dennison Foundation, tổ chức từ thiện toàn cầu của Avery Dennison Corporation, đã hợp tác với Quỹ Thiên nhiên Toàn cầu (WWF) để khởi động dự án lâm nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á, đặt tại Thừa Thiên Huế. Với khoản tài trợ 100.000 USD, Avery Dennison và WWF sẽ làm việc với 600 hộ nông dân để giúp họ cải thiện chất lượng rừng đang trồng. Khoản tài trợ giúp họ có thể trồng cây keo có nguồn gốc, có xác nhận của Forest Stewardship Council (FSC).

Tiếp đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng khởi động dự án “Trường Sơn xanh” tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học cho hơn 400.000 ha rừng nhiệt đới tại khu vực Trường Sơn, cải thiện sinh kế cho khoảng 20.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng. “Những chương trình này giúp khôi phục đa dạng sinh học cho vùng, nâng cao chất lượng rừng trồng. Về lâu dài, dự án sẽ dẫn đến tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương”, ông Nguyễn Vũ, Giám đốc dự án WWF Việt Nam, cho biết thêm.

Ông Alicia Procello, Chủ tịch, Avery Dennison Foundation cho biết, những dự án này tuy nhỏ nhưng hứa hẹn những kết quả rất lớn. Cụ thể là giúp cho rừng trồng của hàng trăm thành viên của Hiệp hội Phát triển bền vững (FOSDA).

Khi chất lượng rừng được cải thiện, thu nhập từ trồng rừng sẽ cao hơn, đời sống người dân cũng sẽ dần được cải thiện. “Từ ngày gia đình tôi tham gia vào dự án trồng rừng bền vững, thu nhập đã tốt lên rất nhiều và ổn định, tương lai rõ ràng, nên không còn nhiều lo lắng nữa. Không những thế, tôi và những nông dân trồng rừng khác trong quá trình tham gia đã hiểu được dự án có ý nghĩa tốt đẹp thế nào về môi trường”, ông Hồ Đa Thê, nông dân xã Hợp tác xã Bền vững Hòa Lộc, Thừa Thiên – Huế, cho biết.

Nguồn: tapchidautu

PHẦN BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Please enter your name here