Ngành gỗ gỡ khó nguyên liệu đầu vào để về đích

0
2298
Đánh giá

Ngành gỗ gỡ khó nguyên liệu đầu vào để về đích

Chế biến và xuất khẩu gỗ là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh với con số 12,1% trong 6 tháng đầu năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 6.2018 ước đạt 740 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 78,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ngành gỗ gỡ khó nguyên liệu đầu vào để về đích

Các doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn gốc gỗ hợp pháp. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, đạt được kết quả khả quan trên, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của cơ quan quản lý nhà nước, thì điều quan trọng nhất chính là sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Mặc dù xuất khẩu gỗ tăng trưởng tốt, tuy nhiên, ông Trị cũng thừa nhận, xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm đang đối diện với nhiều khó khăn nhất định bởi thị trường các nước biến động thường xuyên. Bên cạnh đó, khó khăn còn đến từ nguồn nguyên liệu.

Ông Nguyễn Quốc Toản – quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định: Áp lực về nguồn cung gỗ nguyên liệu, thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và sự dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc đã, đang và sẽ còn tác động đến ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 9 tỷ USD trong năm 2018, ông Nguyễn Quốc Trị cho hay, từ nay đến hết năm, Tổng cục Lâm nghiệp quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nguồn nguyên liệu đến công nghệ, thị trường.

Theo đó, về thị trường, phương thức là giữ ổn định các thị trường truyền thống và mở rộng thêm thị trường mới. Về nguyên liệu đầu vào, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến cáo các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Trong tương lai lâu dài sẽ xây dựng những khu rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ, có sự liên kết chuỗi giữa người trồng rừng với công ty chế biến.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cũng khuyến cáo, trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Thêm vào đó, cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – đề nghị: Nhà nước cần có các quy định cụ thể để giúp doanh nghiệp biết được nguồn gỗ nào là gỗ hợp pháp, đồng thời cần tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tham gia trồng rừng vay vốn dài hạn để duy trì rừng trồng đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Để giữ vững đà phát triển của ngành, theo các chuyên gia, ngành gỗ cần có thêm những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Nguồn: danviet.vn

PHẦN BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Please enter your name here