Thay đổi điều kiện nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Australia

0
2181
5/5 - (3 bình chọn)

Bắt đầu từ 1/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia sẽ tăng thời gian cho phép từ khi xử lý đến khi xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ từ 21 ngày lên 6 tháng.

Thương vụ Việt Nam tại Australia vừa có thông báo về thay đổi điều kiện nhập khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Cụ thể là khung thời gian mới trong việc xuất khẩu sau khi xử lý đối với gỗ chưa gia công và thay đổi về các yêu cầu chứng từ đối với các mặt hàng bằng gỗ. Những thay đổi này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 19/4/2017.
Theo đó, 2 điều kiện nhập khẩu thay đổi đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ gồm::
Thời gian cho phép từ khi xử lý đến khi xuất khẩu gỗ chưa gia công từ tất cả các quốc gia là 90 ngày.
Các sản phẩm gỗ tái tạo và gỗ ép, tấm dán và các sản phẩm khác được đưa vào danh sách các mặt hàng từ gỗ đã được gia công cao.

 

Điều kiện nhập khẩu mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào thị trường Australia sẽ có thay đổi kể từ 19/4/2017.

Đây là danh sách các mặt hàng được coi là có rủi ro an toàn sinh học thấp. Danh sách này cũng bao gồm các sản phẩm từ gỗ có độ dày và chiều rộng nhỏ hơn 4mm. Các mặt hàng được nêu trong danh sách này chỉ yêu cầu nộp chứng từ thương mại để chứng minh an toàn sinh học.

Ngoài ra, bắt đầu từ 1/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia sẽ tăng thời gian cho phép từ khi xử lý đến khi xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ từ 21 ngày lên 6 tháng. Đồng thời, yêu cầu các sản phẩm từ gỗ phải kèm theo tờ khai bổ sung của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp ghi rõ hàng hóa này được lưu giữ để tránh rủi ro tái nhiễm sâu bệnh giữa giai đoạn xử lý và xuất khẩu.

Tờ khai bổ sung đối với các sản phẩm từ gỗ xác nhận các nhà sản xuất/cung cấp đã sử dụng một hoặc tất cả các biện pháp dưới đây để quản lý rủi ro tái nhiễm, gồm: Cơ sở sản xuất/kho bãi sạch sẽ và không có sâu bệnh; Một hệ thống quản lý hoặc quy trình tại chỗ nhằm duy trì việc cơ sở sản xuất/kho bãi không có sâu bệnh; Một quy trình xử lý việc nhiễm bệnh tại cơ sở sản xuất/kho bãi; Tách nơi lưu giữ gỗ đã xử lý hoặc các sản phẩm đã gia công khỏi nơi lưu giữ gỗ chưa qua xử lý; Một quy trình đóng gói đảm bảo hàng hóa được bảo vệ khỏi việc tái nhiễm sâu bệnh.

Để chứng minh sự tuân thủ các yêu cầu này thì trên tờ khai bổ sung của các nhà sản xuất/cung cấp cần nêu rõ hàng hóa đã được lưu giữ sau khi xử lý để giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm.

Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 đạt gần 7 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2015.

Các thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng gỗ của Việt Nam trong năm 2016 vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU. Các thị trường này chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; trong đó Hoa Kỳ chiếm 40%, EU, Nhật Bản và Trung Quốc đều chiếm tỷ trọng trung bình khoảng từ 10-15%, tiếp đến là các thị trường như Hàn Quốc, Australia, Canada,…

Ngành gỗ hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ tập trung ở các tỉnh phía Nam (không phải vùng có rừng trồng tập trung), trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm 15% (chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc), còn lại các doanh nghiệp trong nước chiếm 85%.

PHẦN BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Please enter your name here