Mặc dù Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cùng các doanh nghiệp thành viên rất tích cực mở rộng thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhưng ngành gỗ của Bình Dương vẫn đang gặp không ít khó khăn. Điển hình là nguồn nguyên liệu và nhân lực.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Trong 5 tháng đầu năm 2017, BIFA đã có nhiều hoạt động quan trọng như tham dự cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19- 12-2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, BIFA đã tổ chức được 3 lớp đào tạo thuộc Dự án Score, gồm 1 lớp về chuyên đề hợp tác tại nơi làm việc và 2 lớp về chuyên đề an toàn vệ sinh lao động cho hơn 60 cán bộ, nhân viên của 13 DN gỗ trên địa bàn tỉnh…
Về xúc tiến thương mại, từ đầu năm đến nay BIFA đã tham gia nhiều hoạt động lớn, như tham gia hội chợ VIFA Home, hội chợ VIFA EXPO, hội thảo Xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam – Nam Phi tổ chức tại Bình Dương… Đối với các hội viên của hiệp hội cũng có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, điển hình như tham dự chương trình gặp mặt Egilat 11 tại Đà Nẵng, gặp gỡ đoàn thương mại Canada tại TP.Hồ Chí Minh… để tìm kiếm các cơ hội giao thương cho ngành gỗ.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA cho biết, Bình Dương là địa phương có ngành gỗ phát triển mạnh, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng còn rất nhiều cơ hội để tăng giá trị xuất khẩu, khi uy tín và chất lượng gỗ của các DN tỉnh nhà ngày càng tăng trên thị trường trong và ngoài nước.
Lo thiếu nguyên liệu
Ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty Gỗ Kim Thành A (TX. Thuận An) cho biết, từ quý 4-2016 đến nay nguồn nguyên liệu gỗ cho DN sản xuất rất khó khăn. Hiện nay, thương lái Trung Quốc đang tăng cường gom mua gỗ cao su ở nước ta, trong khi gỗ từ tập đoàn cao su thanh lý phải qua giá bán có thuế VAT và thực hiện theo cơ chế đấu thầu, cùng với đó thuế suất hiện tại của xuất khẩu gỗ cao su không đồng đều, tạo kẽ hở gian lận thương mại đã đẩy giá cao su từ 200 USD tăng lên 350 USD/ m3. Trong thời gian tới, việc khan hiếm gỗ nguyên liệu nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy, đó là tình trạng thất nghiệp sẽ xảy ra trên diện rộng và kéo dài; các ngành công nghiệp phụ trợ, bảo hiểm xã hội… sẽ gặp khó khăn.
Đối với các DN sản xuất viên nén gỗ, hiện cũng đang gặp không ít khó khăn. Trước hết đến từ việc sức cạnh tranh không kiểm soát từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ làm viên nén gỗ, vì các hộ này không có đăng ký kinh doanh, không có nghĩa vụ đối với thuế… nên vô hình chung đã đẩy giá thành của sản phẩm này xuống thấp. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguyên liệu của ngành gỗ cũng dẫn đến việc khan hiếm nguyên liệu sản suất viên nén gỗ. Tuy giá trị viên nén gỗ không cao nhưng nó đóng vai trò quan trọng cho các doanh nghiệp khác trong việc sử dụng nguồn viên nén này để sấy, đốt lò gỗ.
Lãnh đạo một DN gỗ ở TX. Tân Uyên chia sẻ, sau Tết Nguyên đán 2017, lực lượng lao động sớm trở lại làm việc ổn định, tuy nhiên vấn đề đáng lo hiện nay là chất lượng nguồn nhân lực ngành gỗ hiện chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hiện nay, hầu hết lao động trong ngành gỗ vẫn tự học nghề là chính, chưa có nhiều lớp hỗ trợ đào tạo nghề từ phía ngành chức năng để nâng cao được tay nghề cho người lao động. Vị này đề xuất, đối với tỉnh Bình Dương, cần thành lập một trường chuyên đào tạo về kỹ năng chế biến gỗ nhằm phục vụ nhu cầu cho các DN gỗ hiện nay.
Cần sự liên kết hiệu quả
Vừa qua, đại diện BIFA đã tham dự cuộc họp bàn về thương mại gỗ và sản phẩm gỗ theo đề nghị của các hiệp hội gỗ trong cả nước được tổ chức tại Hà Nội. Tại cuộc họp, đại biểu của các hiệp hội gỗ đã thống nhất kiến nghị cần tăng thuế xuất khẩu gỗ xẻ từ 10% hiện nay lên 20% đối với tất cả các quy cách gỗ, hoặc cấm xuất khẩu gỗ thô để giữ nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.
Ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng, Chính phủ cần đóng vai trò trung tâm cho việc lưu trữ nguồn nguyên liệu gỗ để cung cấp cho doanh nghiệp, thông qua nguồn nguyên liệu gỗ cao su thanh lý từ các tập đoàn cao su, công ty cao su; cùng với đó cần có những chính sách hỗ trợ để có thể liên kết được với các hộ trồng rừng với các nhà máy chế biến gỗ. Ông cũng đề nghị cơ quan chức năng cần làm chặt chẽ hơn trong việc chấp thuận cho những đơn vị nào có đủ tính chất để xuất khẩu gỗ, tránh việc xuất khẩu gỗ tràn lan, mất kiểm soát.
BIFA đã đề xuất Chính phủ cần có chủ trương hình thành các khu công nghiệp tập trung theo chuyên ngành nhằm giúp DN có điều kiện liên kết hỗ trợ nhau nhiều hơn để bảo đảm sự phát triển bền vững. Hiện BIFA đang triển khai dự án thành lập khu công nghiệp tập trung chuyên ngành cho ngành chế biến gỗ và các ngành công nghiệp phụ trợ. BIFA mong rằng, Bình Dương sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể về tín dụng, về cơ chế nhằm tạo điều kiện thu hút các DN dịch chuyển vào khu công nghiệp chế biến gỗ của BIFA.
Cũng theo lãnh đạo BIFA, đối với vốn vay, hiện nay ngân hàng định giá giá trị nhà xưởng của DN khá thấp, hao hụt hơn 70% so với giá trị đầu tư ban đầu của DN, điều này tạo điều kiện không tốt nếu DN muốn mở rộng sản xuất, đầu tư mới. Chính phủ cần can thiệp chính sách này và nới rộng hơn các điều khoản để DN có thể được vay vốn nhiều hơn cho đầu tư mở rộng sản xuất.