Độ co rút của gỗ (Shrinkage)

15
4698
4.7/5 - (7 bình chọn)

Độ co rút của gỗ (Shrinkage) là gì?

Trong ngành gỗ người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng gỗ cũng có hồn như con người, cũng cần thở như ta. Ngoài việc hút ẩm và mất độ ẩm ra ngoài không khí, gỗ còn có đặc tính là co rút. Độ co rút của gỗ là khác nhau tại các vị trí có hướng thớ gỗ khác nhau.

Hầu hết các vật liệu có tính chất co rút đồng nhất tại các điểm khác nhau. Tuy nhiên gỗ lại hoàn toàn khác. Việc hiểu rõ Độ co rút của gỗ (Shrinkage) không theo một cách đồng bộ ở các vị trí khác nhau sẽ giúp tránh được một số điểm như nứt tét, cong, vênh của hàng thành phẩm trong quá trình sử dụng.

Dễ dàng nhận thấy nhất là sự co rút của gỗ từ trạng thái gỗ tươi sang gỗ khô. Ở trạng thái gỗ tươi thì kích thước gỗ là lớn nhất. Ngược lại ở trạng thái gỗ khô thì kích thước gỗ là nhỏ nhất. Điều này được gọi là độ co rút về thể tích gỗ.

Độ co rút của gỗ (Shrinkage) sẽ cho ta biết gỗ sẽ bị co lại bao nhiêu. Tuy nhiên ta lại không thể biết được hướng co rút của gỗ là theo hướng nào? Bề dài hay bề rộng, hướng dọc thớ gỗ hay hướng vuông góc với thớ gỗ…? Hai bề mặt chính của gỗ hoặc bề mặt nơi gỗ co rút diễn ra là trên mặt phẳng xuyên tâm và trên mặt phẳng tiếp tuyến. Tương ứng với co rút xuyên tâm và co rút tiếp tuyến. Hai giá trị này khi được kết hợp lại sẽ đạt gần đến độ co thể tích.

Độ co rút của gỗ (Shrinkage) theo chiều dài tấm gỗ (tiếng Anh là longitudinal shrinkage). Tỷ lệ này thường là rất thấp (chỉ chiếm khoảng 0.1% – 0.2%). Vì sự co rút theo chiều dọc trong gỗ tự nhiên là quá nhỏ nên nó ít được quan tâm. Tuy nhiên ván ép rất có lợi từ sự ít co ngót theo chiều dọc của gỗ. Hai lớp gỗ kế nhau sẽ được ghép keo theo hướng vuông góc của thớ gỗ của hai lớp. Nó có tác dụng hạn chế sự co ngót xuyên tâm hoặc tiếp tuyến trong từng lớp gỗ.

Theo cách xếp các lớp gỗ như vậy thì chiều rộng và chiều dài của tấm ván ép đều là chiều dọc của gỗ tự nhiên. Kết quả là tỷ lệ co ngót theo chiều rộng và chiều dài của một tấm ván ép thường rất thấp (thường ít hơn 1%). Còn độ dày của ván ép thì vẫn như độ dày của gỗ tự nhiên, vẫn có sự co rút cao hơn theo chiều dài của gỗ.

Độ co rút của gỗ theo hướng xuyên tâm (tiếng Anh là radial shrinkage). Tỷ lệ này còn phụ thuộc vào từng loại gỗ. Với loại gỗ ổn định ít co rút thì tỉ lệ co rút là dưới 2%. Với loại gỗ ít ổn đinh, co rút nhiều thì tỷ lệ co rút lên tới 8%. Tuy nhiên hầu hết các loại gỗ đều có độ co rút xuyên tâm nằm trong khoảng 3% đến 5%.

Độ co rút của gỗ theo hướng tiếp tuyến (tiếng Anh là tangential shrinkage). Tỷ lệ này nằm trong khoảng 3% đến khoảng 12%. Hầu hết các loại gỗ thường có độ co rút trong khoảng từ 6% đến 10%.

Độ co rút của gỗ
Độ co rút của gỗ (co giãn xuyên tâm – Radial, co giãn tiếp tuyến -Tangential và co giãn theo chiều dài – Longitudinal)

Kết hợp độ co rút theo chiều dọc, độ co rút xuyên tâm và độ co rút tiếp tuyến => Ta có được Độ co rút của gỗ, nó thường nằm trong khoảng từ 9% đến 15% đối với hầu hết các loài gỗ. Thông thường tỷ lệ giữa độ co rút theo hướng tiếp tuyến và độ co rút theo hướng xuyên tâm càng thấp thì càng tốt (Tỷ lệ này gọi là tỷ lệ T/R).

Giá trị tỷ lệ T/R thể hiện sự đồng nhất về co rút theo cả hai hướng xuyên tâm và tiếp tuyến. Đây là một chỉ số rất tốt thể hiện độ ổn định của gỗ. Lý tưởng nhất là một loại gỗ có cả độ co rút thể tích thấp và tỷ lệ T/R thấp vì khi đó gỗ ít co giãn và co giãn đều theo cả hai hướng dẫn tới ít cong vênh, nứt tét…

Nếu tỷ lệ T/R là 1 điều đó có nghĩa là cả chiều dày và chiều rộng tấm gỗ có sự co rút bằng nhau, đây là một tỷ lệ lý tưởng nhất. Với tỷ lệ T/R là 3, bề rộng tấm gỗ sẽ co lại hoặc phồng lên gấp ba lần so với sự co rút của bề dày.

Độ co rút của gỗ (Shrinkage) T/R tangential radial
Độ co rút của gỗ: Tỷ lệ T/R

Trên đây là sơ đồ về tỷ lệ T/R của một số loại gỗ phổ biến. Nhìn vào tỷ lệ này các bạn sẽ biết được loại gỗ nào ổn định, ít co giãn, ít nứt. Theo nguyên tắc chung cho hầu hết các loại gỗ, độ co giãn tiếp tuyến thường lớn gấp đôi độ co giãn xuyên tâm, có nghĩa là tỷ lệ T/R trung bình khoảng 2. Điều này giúp giải thích tại sao các tấm gỗ cưa xẻ xuyên tâm (quatersaw wood) được coi là ổn định hơn các tấm gỗ phẳng (flat sawn wood).

Vậy sao ta không cưa xẻ xuyên tâm để gỗ ổn định hơn và tránh nứt tét, cong vênh? Cưa phẳng thì cưa nhanh nhất, tấm gỗ có bề rộng lớn hơn và tỷ lệ tiêu hao gỗ thấp. Tuy nhiên, độ co rút của gỗ lại cao, dễ bị cong vênh, nứt gỗ trong quá trình sử dụng. Còn cưa xẻ xuyên tâm thì bề rộng của tấm gỗ nhỏ hơn, cưa lâu, tỷ lệ gỗ bỏ nhiều. Nhưng tấm gỗ có thớ gỗ đẹp hơn, thớ thẳng, gỗ ổn định ít co rút và nứt tét. Thông thường người ta thường kết hợp các cách cưa xẻ xuyên tâm và cưa phẳng.

cưa xẻ gỗ xuyên tâm, tiếp tuyến

15 BÌNH LUẬN

PHẦN BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Please enter your name here